GIÁO DỤC LỐI SỐNG CHO HỌC SINH, SINH VIÊN – HƯỚNG TIẾP CẬN VÀ ĐỊNH HƯỚNG GIẢI QUYẾT
Đạo đức, lối sống là biểu hiện của các giá trị hợp thành của nhiều mối quan hệ trong một bối cảnh lịch sử, văn hóa cụ thể. Đạo đức, lối sống của từng cá nhân trước hết là sản phẩm quá trình phát triển của chính mình nhưng mang đậm dấu ấn nền tảng giáo dục gia đình, của các điều chỉnh xã hội, và của các tập quán cộng đồng.
Quá trình hình thành, phát triển của cá nhân chính là quá trình tiếp nhận, chọn lọc, hấp thụ và chuyển hóa các tiêu chuẩn đạo đức, thẩm mỹ được quy định trong các quy ước của gia đình, tập tục của dòng họ, làng xóm, nội quy của nhà trường, quy định của luật pháp (sau đây gọi chung là Quy định), v.v…Trong các Quy định ấy có những nội dung tồn tại bền vững, có nội dung tạm thời, không phù hợp, bị thay thế, có nội dung mới mẻ được bổ sung thêm.
Khí chất, xu hướng, tính cách của từng cá nhân trước áp lực của các mối quan hệ này, theo thời gian sẽ nảy sinh các xu hướng chấp nhận/ hay cưỡng lại, tự nguyện/ hay miễn cưỡng, coi trọng/ hay xem thường…Vì thế, trong một ngôi nhà có thế đời cha chú thì tốt, đời con cháu lại hỏng; trong một lớp học có học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ, lại có những học sinh có nhiều hành vi ngoài mong đợi; trong một xã làng này yên ấm, no vui, hương ước được đề cao, nhưng làng khác thì bất an, nghèo nàn, không có tôn ti trật tự.
Câu hỏi đặt ra là: Trong ba yếu tố Gia đình – Nhà trường – Xã Hội, yếu tố nào giữ vai trò then chốt trong việc hình thành và phát triển nhân cách của thanh, thiếu niên. Hay nói cách khác trẻ em chịu sự tác động nào lớn nhất đến Đạo đức-Lối sống của bản thân?
Một là: Yếu tố tình cảm. Người Việt Nam coi trọng tình cảm bởi vì luôn gắn với gia đình. Từ khi sinh ra và lớn lên, đi học/hoặc không đi học, cho đến khi lập thân, lập nghiệp, lập gia đình, già đi và chết ai cũng được người thân trong gia đình thương yêu, bao bọc, che chở và sẻ chia. Quá trình tiếp nhận và sẻ chia tình cảm của những người thân trong gia đình, dòng họ cũng là một quá trình giáo dục, tự giáo dục. Kể cả những em không được đến trường, hoặc ít được học hành chu đáo vẫn trở thành người tử tế, hiếu thảo với cha mẹ, hòa hợp với cộng đồng, có trách nhiệm với xã hội. Bởi vì cơ bản được thừa hưởng một nền giáo dục gia đình theo những nguyên tắc tự nguyện.
Hai là: Yếu tố bổn phận, huyết thống. Tác động của yếu tố tình cảm trong gia đình rất lớn. Quá trình chuyển hóa tình cảm từ lượng sang chất trong gia đình không giống như trong môi trường xã hội và môi trường nhà trường. Đó chính là sự ràng buộc vô hình của bổn phận và huyết thống. Cả hai sự ràng buộc này được tự nhận thức hoặc được giáo huấn. Bố mẹ, ông bà thường lấy những tấm gương sáng về sự thành công, sự khổ luyện, về nết ăn, ở kể cho con cháu nghe những dịp gia đình đoàn tụ. Bài học đạo đức được thấm nhuần ngay từ trong không gian sinh hoạt của gia đình. Tự hào, tôn kính tổ tông, hiếu kính cha mẹ, kính trên, nhường dưới, có trách nhiệm với gia đình, biết tôn trọng gia phong, nền nếp, tôn trọng các tập tục trong sinh hoạt của dòng tộc…là những điều trẻ em được răn dạy từ nhỏ. Có những hiện tượng diễn ra trong gia đình được coi là hiển nhiên thì ở nhà trường, ở xã hội lại cấm kỵ. Ví dụ việc đòn roi, trách phạt. Ngược lại có những việc ngoài xã hội được coi là bình đẳng, dân chủ thì trong gia đình bi coi là vô lễ, trái đạo, ví dụ chuyện người nhỏ tuổi tranh luận với người lớn tuổi hoặc có thứ bậc trong gia đình cao hơn, việc vợ cãi lời chồng…Phần lớn những người được tiếp thu/ thừa hưởng một nền giáo dục gia đình khuôn khổ, thậm chỉ nghiêm khắc luôn biết sống tử tế với mọi người và thường được đánh giá cao về đạo đức, lối sống. Tất nhiên chúng ta không loại trừ nhiều trường hợp thiểu số trở thành “ngoại lai” không có chung hoặc ngược lại hoàn toàn nếp sống đẹp đẽ của gia đình. Đây chính là một bí ẩn, một câu hỏi lớn đối với chúng ta.
Ba là: Yếu tố tinh thần, tâm linh. Coi trọng tín ngưỡng, đề cao các giá trị tinh thần là một đặc thù của văn hóa Việt. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của các tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, Nho giáo, các gia đình Việt thường uốn nắn, răn dạy con cháu bằng nhiều câu chuyện trong Kinh Phật, trong sách Cổ học tinh hoa, trong kho tàng cổ tích dân gian mang đậm màu sắc triết lý như: về quan hệ nhân quả, về thiện ác, … trong đó ngầm truyền đi thông điệp về sự trừng phạt, quả báo, sự bất hạnh, khổ ải,…nếu sống bạc tình, bất nghĩa, độc ác.
Đạo đức, lối sống của cá nhân là gì? Đời sống xã hội, thiên nhiên, vũ trụ, con người đều là các thực thể vô thường, không có cái gì “Dĩ thành bất biến” cả. Nếu chúng ta coi số phận con người từ khi thơ bé đến lúc già nua và qua đời như là một cái cây, thì cái cây ấy ngoài yêu tố nòi giống, quá trình sinh trưởng còn chịu tác động lớn của điều kiện thời tiết, khí hậu và cách chăm sóc của người làm vườn. Nếu chúng ta coi kết quả hình thành, phát triển tính cách, phẩm cách, nhân cách của một người như là đáp án của một bài toán, thì ngoài hằng số C, nghiệm của nó phụ thuộc không nhỏ vào các biến số, các tham số. Cách ví von này dẫn chúng ta đến một lập luận rằng Nhà trường và Xã hội có vai trò quan trọng nhưng vẫn là thứ yếu. Một đứa trẻ được học ở một trường quốc tế, hay trường chất lượng siêu cao vẫn có thể là bị lạc đường nếu không được cha mẹ đón hoặc không có bản đồ. Việc cha mẹ đưa/đón con cái vừa là một niềm hạnh phúc, một trách nhiệm, bổn phận nhưng cũng đồng thời ngầm khẳng định với con cái rằng đâu là cội rễ của nó, đâu là điểm đến của nó mỗi ngày. Một thầy hiệu trưởng hàng ngày mỉm cười thân thiện với học trò, ăn mặc chỉn chu, không vứt tàn thuốc lá ra sân trường sẽ để lại một ấn tượng tốt hơn nhiều so với một người đứng đầu trường mà không hề biết tên một học sinh tiêu biểu, mặt luôn đỏ gay và hay quở phạt học trò… Hình ảnh một con đường đến trường bùn lầy, tù đọng và nhiều rác rưởi từ năm này sang năm khác liệu có làm các em bớt đi cảm xúc khi đọc những câu thơ trong sách và những câu khẩu hiệu trước cổng nhà văn hóa làng? Tôi tin là không! Mặc dù 20 năm sau các em có thể góp công, góp của để làm cho con đường trở nên rông rãi, tinh tươm thì việc làm ấy vẫn là do hệ quả của những lời cha mẹ day chứ không phải vì tác động của các câu khẩu hiệu kia. Chúng tôi muốn nói rằng: Xã hội và nhà trường có trách nhiệm cùng gia đình hun đúc những tình cảm đẹp đẽ cho trẻ thơ, có trách nhiệm giữ gìn cái nhìn của các em thật nên thơ và trong trẻo. Tức là giữ lấy niềm tin cho trẻ. Niềm tin, đức tin là cái neo để người ta giữ lấy, bám lấy trước mọi bão giông, xô đẩy của cuộc đời. Không có niềm tin vào các giá trị thì không có đạo đức bền vững và càng không có lối sống mẫu mực.
Để công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đạt kết quả tốt cần có sự chỉ đạo thống nhất, triển khai đồng bộ, thường xuyên, có phương pháp tiến hành phù hợp, cụ thể:
– Có kế hoạch phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong đó nhà trường có vai trò định hướng và nâng cao chất lượng giáo dục, gia đình có vai trò hình thành nền tảng đạo đức, lối sống ban đầu;
– Giáo dục đạo đức, lối sống phải đi đôi với việc bảo đảm các quyền của trẻ em, bảo đảm các em được tôn trọng, bảo vệ, nâng đỡ, chăm sóc, tạo mọi điều kiện để phát triển toàn diện;
– Tổ chức cho các tổ chức đoàn thể, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên GDCD, Ngữ văn cụ thể hóa các nội dung 5 điều Bác Hồ dạy, thấy được tinh thần xuyên suốt của những điều Bác Hồ dạy phù hợp với tất cả mọi người, gắn với cả quá trình hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người trong mọi lĩnh vực của đời sống.
– Nhà trường và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với các tổ chức trong nhà trường tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống theo hướng phát huy vai trò tự chủ, sáng tạo của học sinh:
+ Tổ chức các sân chơi bổ ích cho tuổi trẻ nhằm tạo cho học sinh có động cơ, ý chí rèn luyện, bộc lộ kỹ năng sống như: Diễn đàn thanh niên; câu lạc bộ giới tính; thanh niên với hoạt động tình nguyện vì môi trường; thanh niên nói không với ma túy, tệ nạn xã hội …;
+ Tổ chức các cuộc thi sáng tác; kể chuyện; sáng tạo nghệ thuật; Xây dựng phong trào nói lời hay, làm việc tốt, giúp bạn cùng tiến …;
+ Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao theo hướng phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tinh thần thể thao, thượng võ, lành mạnh;
+ Tăng cường công tác giáo dục, theo dõi kiểm tra chặt chẽ việc học sinh sử dụng mạng Internet, chia sẻ mạng xã hội (facebook, …) không đúng quy định của Luật An ninh mạng.
– Phải coi trọng yếu tố tự giáo dục, tự rèn luyện; bên cạnh trách nhiệm của nhà trường và gia đình, trách nhiệm bản thân có vai trò quan trọng trọng việc phát triển hài hòa về nhân cách của học sinh;
– Phải gắn với các hoạt động trải nghiệm, giáo dục ngoài giờ lên lớp, tạo cơ hội để các em thể hiện bản thân, không biến việc giáo dục đạo đức, lối sống thành việc tuyên truyền, lý thuyết khô cứng.